Home Blog Khám phá truyền thuyết ông già Noel

Khám phá truyền thuyết ông già Noel

Khám phá truyền thuyết ông già Noel

Truyền thuyết ông già Noel – nhân vật chính của ngày lễ Giáng Sinh, luôn được nhắc đi nhắc lại hàng năm. Tuy vậy, không phải ai cũng thật sự biết được nguồn gốc và tính xác thực của câu chuyện này vì mỗi nền văn hóa, mỗi quốc gia, dân tộc lại có cách giải thích và niềm tin của riêng mình.

Nguồn gốc của ông già Noel

Ông già Noel, ông già Giáng Sinh hay ông già tuyết đều chỉ nguời đàn ông có bộ đồ đỏ, chòm râu trắng, gương mặt hóm hỉnh và điệu cười sảng khoái. Đây là hình tượng phổ biến nhất trong các nền văn hóa, đặc biệt là các nước phương Tây.

Theo nhiều thông tin được ghi lại, đây là nhân vật có thật trong lịch sử. Hình ảnh ông già Noel được mô tả theo Thánh Nicolas – vị Thánh rất được tôn kính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1809, nhà văn Washington Irving đã miêu tả Thánh Nicolas bay trên không trung để phát quà cho các em nhỏ. Năm 1823, nhà văn Clement Clarke Moore đã thêm cho ông già Noel chiếc xe kéo tuần lộc trong câu truyện thần thoại của mình. Từ đó mà hình tượng ông già Noel được hình thành.

Trong một dị bản khác, Lapland (Phần Lan) mới là quê của ông già Noel. Tuy nhiên, dị bản mang tính “huyền huyễn” hơn phiên bản nêu trên khá nhiều. Truyền thuyết cho rằng, ông già Tuyết đầu tiên sống trên ngọn núi có hình lỗ tai phía Đông Lapland, trong rặng núi Korvatunturi vào những năm 1920 cùng với những chú lùn nên ông có thể nghe được mọi điều ước của trẻ em trên thế giới.

Trong tiếng Anh, ông già Noel được gọi là Santa Claus. Cái tên này lần đầu xuất hiện trong một ấn phẩm xuất bản năm 1977 của một tờ báo tại New York. Tên bắt nguồn từ phiên bản tiếng Hà Lan của “Sinterklaas” với mục đích giữ cho câu chuyện về Đức Giám mục Saint Nicholas mãi trường tồn.

Khám phá truyền thuyết ông già Noel

Tại sao ông già Noel lại mặc đồ màu đỏ?

Thực tế, hình tượng ông già Noel từng gắn bó với bộ đồ màu xanh vì người phương Tây tin đó là màu báo hiệu cho mùa xuân, cho sự sinh sôi, nảy nở, mang lại niềm tin, hi vọng và sức sống mãnh liệt.

Năm 1930, Coca Cola đã chọn hình ảnh ông già Noel làm đại diện cho chiến dịch quảng cáo mùa Giáng Sinh của mình. Tại thời điểm đó, truyền thuyết ông già Noel vẫn chưa quá được biết đến và đón nhận. Để quảng bá cho thương hiệu của mình, Coca Cola đã tạo nên một ông già Noel mặc áo đỏ – màu sắc đại diện của hãng và cầm trên tay lon Coca Cola.

Sản phẩm lúc này được ủng hộ một cách đầy bất ngờ. Rồi cứ thế, năm này qua năm khác, Coca Cola tiếp tục duy trì và giữ gìn hình ảnh một ông già mặc áo đỏ trắng – “vai chính” của mỗi mùa Giáng Sinh.

Khám phá truyền thuyết ông già Noel

Cỗ xe của ông già Noel có mấy con tuần lộc?

Ban đầu, cỗ xe bay của ông già Noel có 8 chú tuần lộc và xếp thành 2 hàng. Tuy nhiên, vào một đêm Giáng Sinh đầy sương mù, ông gặp khó khăn trong việc di chuyển để tặng quà cho các em nhỏ. May sao khi ấy ông phát hiện ra Rudolph – chú tuần lộc khác biệt có chiếc mũi đỏ phát sáng. Ông quyết định để Rudolph dẫn đầu đoàn xe kéo.

Nhờ chiếc mũi phát sáng của mình, Rudolph đã giúp ông già Noel phân phát thành công quà cho những đứa trẻ ngoan trong đêm Giáng Sinh. Từ đó, số tuần lộc chính thức của cỗ xe bay là 9 con. Và cũng theo truyền thuyết ông già Noel, những chú tuần lộc này có thể bay vì được cho ăn bột ngô và yến mạch thần kỳ.

Khám phá truyền thuyết ông già Noel

Tại sao ông già Noel lại chui vào nhà từ ống khói?

Theo truyền thống của khu vực Bắc Âu, khi Công giáo chưa phổ biến, thần Odin thường vào nhà của thường dân qua ống khói và bếp lửa.

Trong phiên bản đầu tiên về truyền thuyết ông già Noel, Thánh Nicholas ném tiền xu qua cửa sổ cho trẻ em, tuy nhiên, theo phiên bản sau đó, ông đã chui qua ống khói khi thấy cửa sổ bị khóa. Họa sĩ người Hà Lan Jan Steen đã vẽ một bức tranh về truyền thuyết này. Trong đó, nhiều trẻ em và cả người lớn ngước nhìn lên nhìn ống khói với khuôn mặt mang vẻ háo hức, đợi chờ.

Một cách giải thích khác nhận được khá nhiều sự công nhận khác là vì ông chỉ phát quà vào ban đêm – lúc mà mọi người đã yên giấc, cửa nẻo đã khóa kĩ thì ông không còn cách nào khác, chỉ có thể vào nhà từ ống khói mà thôi.

Khám phá truyền thuyết ông già Noel

Tại sao phải để quà vào tất?

Chuyện kể rằng, Thánh Nicholas, sau này là ông già Noel, vì thương ba cô gái đã đến tuổi lập gia đình, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên vẫn chưa được dựng vợ gả chồng, nên Ngài đã ném 3 đồng tiền vàng vào ống khói nhà họ. Vô tình, chúng lại rơi vào các đôi bít tất mà họ đang treo để hong khô bên lò sưởi. Từ đó, có tục trẻ em đeo bít tất mỗi đêm Giáng Sinh để nhận được quà.

Khám phá truyền thuyết ông già Noel

Ông già Noel có vợ chưa?

Theo lẽ thường, ông già Noel là hình tượng được dựng theo Thánh Nicholas nên sẽ khong có vợ. Người ta cũng cho rằng, Santa Claus là ông già độc thân cho đến năm 1849, khi James Rees xuất bản một mẩu truyện ngắn với tên gọi “Huyền thoại đêm Giáng Sinh”. Truyện đề cập đến việc ông già Noel đã có vợ.

Từ đó, khái niệm bà già Noel bắt đầu xuất hiện. Bà già Noel còn được gọi là mẹ Giáng Sinh, Mary Christmas, Dolores, Goody, Layla, Maya,… Tuy nhiên, bà già Noel không phải lúc nào cũng cần xuất hiện bên cạnh ông già Noel.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến truyền thuyết ông già Noel mà bạn nên biết nếu là một người yêu thích và muốn tìm hiểu tường tận về mùa được cho là đẹp nhất trong năm này.